Ban chỉ đạo về Chính phủ điện tử Bộ GD&ĐT họp lần thứ nhất

Ban chỉ đạo về Chính phủ điện tử Bộ GD&ĐT họp lần thứ nhất

Chiều 21/12, Ban chỉ đạo về Chính phủ điện từ Bộ GD&ĐT dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ – Trưởng Ban chỉ đạo đã họp lần thứ nhất nhằm thảo luận phương án tổng thể ứng dụng CNTT của Bộ GD&ĐT. Tham dự cuộc họp có các thành viên Ban chỉ đạo; ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Hội đồng quản trị FPT; đại diện Tập đoàn Viettel; Công ty Cổ phần MISA.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ chủ trì cuộc họp Ban chỉ đạo về Chính phủ điện tử Bộ GD&ĐT lần thứ nhất
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ chủ trì cuộc họp Ban chỉ đạo về Chính phủ điện tử Bộ GD&ĐT lần thứ nhất
Phương án tổng thể ứng dụng CNTT của Bộ GD&ĐT đặt ra mục tiêu đáp ứng các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra theo Nghị quyết của Chính phủ về Chính phủ điện tử; đảm bảo công tác quản lý, điều hành của Bộ trong ứng dụng CNTT triệt để, khoa học, tối ưu nguồn lực và hiệu quả đầu tư cao; phấn đấu chỉ số ứng dụng CNTT của Bộ GD&ĐT (ICT Index) luôn nằm trong nhóm dẫn đầu các Bộ, ngành.

Theo đó, mô hình tổng thể ứng dụng CNTT Bộ GD&ĐT sẽ bao gồm: Kênh giao tiếp – web/Cổng Thông tin điện tử, thư điện tử; các dịch vụ công trực tuyến liên quan đến các lĩnh vực quản lý của Bộ GD&ĐT, thực hiện theo lộ trình cung cấp tất cả các các dịch vụ công trực tuyến ở mức độ 3 và 4; các ứng dụng CNTT phục vụ quản lý, điều hành nội bộ, phục vụ quản lý ngành, hệ thống dùng chung thúc đẩy nội dung, phương pháp dạy học đánh giá, cơ sở dữ liệu ngành (big data); hạ tầng kỹ thuật và các điều kiện đảm bảo như hạ tầng CNTT, thiết bị và an toàn thông tin, bồi dưỡng nguồn nhân lực sử dụng CNTT và công tác thể chể, pháp chế.

Các ý kiến thảo luận tại cuộc họp đã chỉ ra một số yêu cầu đối với phương án tổng thể ứng dụng CNTT của Bộ GD&ĐT, trong đó, đặc biệt nhấn mạnh đến tính “động”, mở và liên thông của hệ thống cơ sở dữ liệu. Thông qua hệ thống này, quá trình kết nối giữa cơ quan quản lý các cấp; cơ quan quản lý với nhà trường; nhà trường với giáo viên, học sinh và phụ huynh phải thông suốt, không chỉ giải quyết những vấn đề hành chính như nộp hồ sơ, rút hồ sơ, chuyển trường, chuyển lớp, học bạ điện tử mà còn nắm bắt, chia sẻ thông tin, trao đổi chặt chẽ giữa nhà trường và gia đình trong suốt quá trình học tập của một học sinh từ khi còn nhỏ đến khi trưởng thành.

Muốn làm được như vậy, cần phải xây dựng được mã định danh riêng của ngành, mã học sinh theo các chuẩn nhất định. Đồng thời, xây dựng được hành lang pháp lý nhằm thúc đẩy ứng dụng CNTT rộng khắp trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo. Đảm bảo an toàn, an ninh mạng cũng là một trong những vấn đề được thảo luận, bởi nếu hoàn thành được cơ sở dữ liệu toàn ngành Giáo dục, đây sẽ là một trong những cơ sở dữ liệu lớn nhất quốc gia.

Phát biểu kết luận cuộc họp, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh đến 3 nội dung mà phương án tổng thể ứng dụng CNTT của Bộ GD&ĐT cần lưu ý, đó là: thiết chế, thể chế và nhân lực CNTT. Về thiết chế, Bộ trưởng yêu cầu, nhanh chóng rà soát để xây dựng một cơ sở dữ liệu chuẩn của ngành, gồm chỉ số thống kê, mã định danh, học bạ điện tử, giải quyết được các thủ tục hành chính như nộp hồ sơ, rút hồ sơ của học sinh…

Hệ thống cơ sở dữ liệu này để phục vụ người sử dụng chứ không phải để thống kê làm gọn số liệu và đặc biệt phải đảm bảo tính liên thông trong toàn hệ thống.

Với việc triển khai hệ thống E-office, Bộ trưởng lưu ý, cần đảm bảo các mục tiêu: kết nối nội bộ ngành trong quản lý hành chính, phần mềm điều hành phải kết nối với Chính phủ; kết nối hành chính với 63 sở GD&ĐT đảm bảo quan hệ giữa Bộ và Sở cùng chạy trên một trục huyết mạch; kết nối với nhân dân và các Bộ, ngành, cung cấp dịch vụ công trực tuyến ở cấp độ 3, 4.

“Bộ GD&ĐT phải tiên phong trong ứng dụng CNTT, vươn lên trước. Mỗi năm phải cải thiện vài bậc trong bảng xếp hạng chỉ số ứng dụng CNTT để giữ vững vị trí trong tốp đầu” – Bộ trưởng nêu rõ.

Mong muốn hình thành được kênh thông tin nội bộ ngành kết nối Cổng thông tin điện tử của Bộ với các sở, các phòng và các cơ sở giáo dục, Bộ trưởng cho biết, có như thế các thông tin chỉ đạo điều hành từ Bộ mới thông suốt tới cấp sở, cấp phòng, đến với từng cơ sở giáo dục và từng giáo viên, để cùng thống nhất triển khai thực hiện.

Ở chiều ngược lại, kênh thông tin này cũng sẽ giúp cho giáo viên, cơ sở giáo dục được phản ánh tâm tư, nguyện vọng tới các cơ quan quản lý và được truyền đi những thông tin tích cực trong nội bộ ngành, giảm bớt những luồng thông tin trái chiều.

Phương án tổng thể ứng dụng CNTT của Bộ GD&ĐT cũng phải đảm bảo xây dựng được không gian xã hội học tập thông qua hệ thống học liệu số, học liệu mở, bài giảng điện tử để chia sẻ rộng rãi trên môi trường mạng.

Để thế chế hóa, tạo hành lang pháp lý thuận lợi nhằm thúc đẩy ứng dụng CNTT rộng khắp trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, cho Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ giao Cục CNTT rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật thuộc phạm vi quản lý của Bộ để kịp thời chỉnh sửa, bổ sung phù hợp với yêu cầu thực tiễn.

“Phải đưa việc sử dụng CNTT như một yêu cầu căn bản trong ngành Giáo dục. Tiến tới “xóa mù” CNTT , “xóa mù” tiếng Anh trong toàn ngành” – Bộ trưởng nhấn mạnh.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *