Phát động Chương trình “Sóng và máy tính cho em”: Gieo những hạt mầm yêu thương
Cùng dự có Phó Thủ tướng Lê Minh Khái; Chủ tịch UBTWWMTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến; Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa; Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam; nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam; Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn; Bộ trưởng TTTT Nguyễn Mạnh Hùng; Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn; Bộ trưởng Bộ Tài Chính Hồ Đức Phớc.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng; Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Hoàng Anh; Tổng Giám đốc Đài truyền hình Việt Nam Lê Ngọc Quang; Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Nguyễn Anh Tuấn. Cùng đại diện một số bộ, ngành; đại diện một số doanh nghiệp tài trợ; lãnh đạo các địa phương tại điểm cầu 63 tỉnh/thành phố.
Trên 1,5 triệu học sinh thiếu thiết bị học tập trực tuyến
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, hoạt động tổ chức dạy học trong những ngày đầu tiên của năm học mới gặp nhiều khó khăn, nhất là đối với các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội. Nhiều tỉnh, thành phố phải tổ chức dạy học trực tuyến, song do hệ thống đường truyền internet hạn chế dung lượng, phần mềm dạy học hoạt động chưa tốt, nhiều học sinh thiếu trang thiết bị học tập, sự hỗ trợ của gia đình còn gặp nhiều khó khăn nên việc dạy và học ở nhiều nơi chưa hiệu quả.
Theo tổng hợp của Bộ GDĐT, đến thời điểm ngày 12/9, cả nước có 26/63 tỉnh/thành phố đang học trực tuyến (một số tỉnh chỉ học trực tuyến một số vùng, có tỉnh không giản cách nhưng nguy cơ cao vẫn cho học trực tuyến), với số học sinh đang học trực tuyến ước khoảng 7,35 triệu học sinh. Số học sinh chưa có máy tính để học trực tuyến tại 26 tỉnh/thành phố đang học trực tuyến cần hỗ trợ ước khoảng 1,5 triệu em.
Chương trình “Sóng và máy tính cho em” được xây dựng và triển khai với mục đích hỗ trợ các em học sinh, đặc biệt là các em học sinh đang ở vùng có dịch Covid-19 (thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg) có điều kiện để học tập trực tuyến hiệu quả. Chương trình ưu tiên hỗ trợ máy tính, dịch vụ viễn thông đối với những học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn.
Phát biểu khai mạc buổi lễ, Bộ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết: Chương trình “Sóng và máy tính cho em” do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát động gồm ba cấu phần: là có sóng, có Internet đến tất cả các hộ gia đình; là có máy tính cho các em thuộc các hộ nghèo; là có giá cước phù hợp cho các máy tính này.
Các đại biểu dự Lễ phát động
Đây là một chương trình lớn của mọi ngành, mọi cấp và mọi người, mọi doanh nghiệp dành cho ngành giáo dục, dành cho các em, dành cho tương lai của chúng ta. Giá trị của nó lên tới hàng chục ngàn tỷ đồng. Có sóng cho em, có Internet cho em thì không chỉ là nỗ lực của nhà mạng, mà còn là sự chung tay của chính quyền các cấp, của người dân trong việc tạo điều kiện cho nhà mạng phát triển hạ tầng, xây dựng các trạm phát sóng. “Một chiếc máy tính bảng cũ có thể bị chúng ta bỏ quên ở đâu đó, nhưng lại có thể giúp thay đổi cuộc đời của một em học sinh, giúp em đi học những ngày giãn cách, giúp em tiếp cận kho tri thức nhân loại, giúp các em lớn lên với đầy đủ tri thức để cống hiến lại cho cuộc đời. Chương trình này kêu gọi mọi người dân Việt Nam, ai có máy tính cũ, ai có máy tính mới hãy giúp các em. Chương trình cũng kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp toàn quốc hỗ trợ, người nhiều người ít, nhưng là trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp với cộng đồng, với con cháu mình, với tương lai đất nước mình. Đất nước Việt Nam, người dân Việt Nam chính là cái nôi, là mảnh đất nuôi dưỡng các doanh nghiệp. Chăm lo cho mảnh đất ấy cũng chính là chăm lo cho chính mình trong dài hạn”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói. Chương trình truyền đi năng lượng tích cực Trong phát biểu phát động chương trình, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chia sẻ với những khó khăn, vất vả về điều kiện học tập của học sinh, giáo viên trong giai đoạn hiện nay. Theo Thủ tướng, do dịch bệnh nên ngành Giáo dục phải tạm dừng đến trường, chuyển sang dạy và học trực tuyến, tuy nhiên, một trong những vấn đề nảy sinh khi tổ chức dạy trực tuyến tại những địa phương bị ảnh hưởng dịch bệnh là thiếu thiết bị học và thiếu sóng internet. Điều này có thể dẫn đến hệ quả thiếu công bằng, ảnh hưởng tới chất lượng dạy và học. Khẳng định, chương trình “Sóng và máy tính cho em” có ý nghĩa xã hội và nhân văn sâu sắc, Thủ tướng cho rằng: Ngoài việc hỗ trợ cho các cháu có hoàn cảnh khó khăn ở vùng dịch thiết bị học trực tuyến, chương trình còn góp phần để chúng ta hướng tới phủ sóng internet ở những vùng còn chưa có sóng và nâng cao chất lượng sóng nhằm mục tiêu ứng dụng phát triển khoa học trong giáo dục, nâng cao dân trí, mở mang tri thức xã hội và nhất là phát triển xã hội số, chuyển đổi số. Sóng và máy tính là phương thức học tập mới mang tính tình thế nhưng phù hợp trong điều kiện giãn cách và tăng cường giãn cách xã hội, để các cháu, nhất là các cháu ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn có điều kiện học tập bình đẳng trong tiếp cận học tập. Tuy nhiên, theo Thủ tướng, đây là phương thức học tập mới, nên đòi hỏi các nhà giáo, các cơ sở giáo dục, các chuyên gia tâm lý và các em học sinh phải điểu chỉnh phương thức dạy và hoc, nhất là các thầy cô phải điều chỉnh nội dung, giáo trình, thời lượng và khối lượng kiến thức phù hợp để các cháu tiếp thu một cách tốt nhất, đặc biệt đối với các cháu bước vào lớp 1 và cuối các cấp học.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát động Chương trình “Sóng và máy tính cho em”
Thủ tướng lưu ý, tiếp cận máy tính và không gian mạng đối với trẻ em là một trải nghiệm mới mẻ, hấp dẫn, mở ra chân trời mới, có nhiều kiến thức rộng lớn bổ ích và lý thú nhưng cũng tiềm ẩn mối nguy hiểm với các em, nếu nhà trường, gia đình và xã hội không chủ động có các biện pháp định hướng và các giải pháp đề phòng thì rất dễ có những vấn đề không đáng có xảy ra. Vì vậy, song song phát triển sóng và máy tính, chúng ta phải có giải pháp phù hợp để ngăn chặn thông tin xấu độc, ảnh hưởng đến quá trình học tập của học sinh.
“Chương trình “Sóng và máy tính cho em” là thông điệp thích ứng phù hợp và lan tỏa lòng nhân ái của mỗi chúng ta. Tôi tin tưởng rằng chương trình sẽ truyền đi năng lượng tích cực, ý nghĩa nhân văn đến với cộng đồng để góp phần xây dựng một xã hội ngày càng tốt đẹp hơn trong kỷ nguyên số và đặc biệt làm cho các học sinh vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, các em học sinh khó khăn được tiếp cận việc học tập bình đẳng.
Mỗi máy tính, mỗi khu vực có sóng, mỗi trẻ em được kết nối, được học tập trên không gian mạng trong điều kiện phải giải quyết tình thế, góp phần gieo từng hạt mầm để những hạt mầm ấy tiếp tục lớn lên và tiếp tục lan tỏa, tạo thành xã hội số, kinh tế số, tạo thành tình yêu thương trên mọi miền của đất nước ta”, Thủ tướng khẳng định.
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng biểu dương, đánh giá cao các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đã hưởng ứng chương trình, đặc biệt là các doanh nghiệp, cá nhân mặc dù gặp nhiều khó khăn do tác động của dịch bệnh nhưng với tinh thần tương thân tương ái đã sẵn lòng hỗ trợ chương trình ngay lập tức.
Thủ tướng đồng thời yêu cầu Bộ TTTT, Bộ GDĐT, các địa phương xây dựng tiêu chí hỗ trợ máy tính cho học sinh đảm bảo công khai, minh bạch, đúng đối tượng và sử dụng hiệu quả. Tiếp tục vận động các tổ chức, cá nhân thực hiện chương trình ý nghĩa này.
Hơn 1 triệu máy tính sẽ được huy động gửi tặng học sinh khó khăn
Tại lễ phát động, hơn 1 triệu máy tính đã được đăng ký trao tặng tới những học sinh gặp khó khăn học tập trực tuyến. Theo kế hoạch phối hợp giữa Bộ TTTT và Bộ GDĐT, 100% cước phí sẽ được miễn khi học sinh, sinh viên sử dụng một số nền tảng dạy học trực tuyến, đồng thời miễn phí một số phần mềm dạy học trực tuyến. Năm 2021, tất cả những địa phương có học sinh học tập trực tuyến sẽ được phủ sóng Internet di động.
Tiếp nhận và cảm ơn sự ủng hộ, hỗ trợ của các đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức dành cho ngành Giáo dục, Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn chia sẻ: Hoạt động hỗ trợ, quyên góp, huy động “Sóng và Máy tính cho em” là hoạt động thể hiện tinh thần nhân ái, đề cao giá trị tốt đẹp của người Việt Nam. Đây cũng chính là một hành động mang tinh thần giáo dục sâu sắc về tình yêu thương và trách nhiệm xã hội cho tất cả học sinh.
Khẳng định tiếp thu và triển khai chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ một cách đầy đủ, sâu sát, toàn diện, Bộ trưởng cho biết: Ngành Giáo dục sẽ phối hợp thật tốt với các bộ ngành, các địa phương để tiếp nhận sự ủng hộ, điều phối, sử dụng hiệu quả, kịp thời, đúng đối tượng và công khai minh bạch, sử dụng hiệu quả những món quà mà toàn xã hội trao tặng và hỗ trợ cho học sinh.
Bộ trưởng cũng thông tin thêm, Bộ GDĐT đang và sẽ tiếp tục điều chỉnh nội dung và phương pháp dạy và học trực tuyến, dạy và học trên truyền hình sao cho phù hợp với tình hình và thực tiễn chuyển đổi trạng thái nền giáo dục thích ứng với tình hình có dịch.
Đồng thời, sẽ chú ý các biện pháp hướng dẫn, hỗ trợ an toàn và giữ gìn sức khỏe cho học sinh trong thời gian học trực tuyến; phối hợp chặt chẽ cùng Bộ Y tế triển khai tiêm vaccine cho học sinh sớm nhất khi điều kiện cho phép, đảm bảo mở cửa trường học an toàn.
“Toàn thể thầy và trò ngành Giáo dục sẽ nỗ lực dạy thật tốt, học thật tốt trong mọi hoàn cảnh để đáp lại tấm lòng của Thủ tướng và toàn thể xã hội”, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh..
Trước đó, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chỉnh phủ, Bộ GDĐT đã phối hợp với Công đoàn Giáo dục Việt Nam ban hành công văn số 3961/BGDĐT-CĐN phát động quyên góp, ủng hộ “Máy tính cho em” nhằm vận động, huy động mọi nguồn lực trong toàn ngành ủng hộ kinh phí, thiết bị học tập trực tuyến cho học sinh chưa có và không thể có khả năng mua thiết bị học tập trực tuyến. Trước mắt, cuộc vận động “Máy tính cho em” sẽ ưu tiên các địa phương khó khăn, vùng bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh Covid-19. Bộ trưởng Bộ GDĐT và Chủ tịch CĐGDVN đề nghị Giám đốc Sở GDĐT/Chủ tịch Công đoàn ngành; Giám đốc/Hiệu trưởng/Chủ tịch Công đoàn của các đại học, học viện, trường đại học, trường cao đẳng sư phạm; các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ tổ chức phát động quyên góp, ủng hộ “Máy tính cho em” tại tất cả các đơn vị thuộc và trực thuộc; kêu gọi, tuyên truyền, vận động toàn thể đội ngũ cán bộ quản lý, công chức, viên chức, đội ngũ nhà giáo, nhân viên, người lao động tham gia ủng hộ kinh phí tối thiểu là một ngày thu nhập. Bên cạnh đó, Bộ GDĐT đã ban hành các văn bản hướng dẫn năm học mới, trong đó có việc tổ chức dạy học qua Internet, dạy học trên truyền hình; hướng dẫn đảm bảo an ninh, an toàn trong dạy học trực tuyến; hướng dẫn bảo đảm chất lượng đào tạo từ xa trong thời gian phòng chống dịch Covid-19. Hiện nay, Bộ đang xây dựng cẩm nang và tổ chức tập huấn dạy học trực tuyến cho giáo viên; chuẩn bị ban hành văn bản hướng dẫn về chuẩn tối thiểu cho một bài giảng trên truyền hình và hướng dẫn chuẩn tối thiểu về kỹ năng, phương pháp để dạy trên truyền hình; tổ chức xây dựng video bài giảng (dạy trên truyền hình) của môn học các lớp 1, 2 và 6 (hiện đang phát hình Tiếng Việt và Tiếng Anh lớp 1). Đối với các lớp còn lại (3, 4, 5, 7, 8, 9, 10, 11, 12), Bộ GDĐT lên phương án tổng hợp các nguồn bài giảng hiện có ở địa phương, kết hợp điều phối, phân công địa phương và xã hội hóa việc sản xuất bài giảng. |
* Xem toàn văn bài phát biểu của Thủ tướng Phạm Minh Chính trong file đính kèm./.