Sơ kết giai đoạn 2 dự án “Tăng cường kỹ năng Công nghệ thông tin cho giới trẻ hội nhập và phát triển”

Sơ kết giai đoạn 2 dự án “Tăng cường kỹ năng Công nghệ thông tin cho giới trẻ hội nhập và phát triển”

Sáng 20/4/2018, Cục CNTT (Bộ GDĐT) phối hợp với Công ty Microsoft Việt Nam tổ chức hội thảo sơ kết giai đoạn 2 dự án Tăng cường kĩ năng CNTT cho giới trẻ hội nhập và phát triển.
Ông Nguyễn Sơn Hải - Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (Bộ GD&ĐT) phát biểu khai mạc hội thảo
Ông Nguyễn Sơn Hải – Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (Bộ GD&ĐT) phát biểu khai mạc hội thảo

Tham dự hội thảo có ông Nguyễn Sơn Hải – Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (Bộ Giáo dục và Đào tạo), ông Phạm Thế Trường – Tổng giám đốc Microsoft Việt Nam, đại diện lãnh đạo và chuyên viên của một số đơn vị trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo, lãnh đạo và chuyên viên của 12 sở Giáo dục và Đào tạo các tỉnh, thành phố tham gia dự án, các chuyên gia giáo dục, thầy cô giáo, học sinh và đại diện của các tổ chức NGO, doanh nghiệp và đối tác triển khai dự án.

Dự án Tăng cường kỹ năng CNTT cho Giới trẻ hội nhập và phát triển (YDI) do Cục CNTT (Bộ GD&ĐT), Microsoft Việt Nam và Trung tâm CNTT – truyền thông Vietnet (Vietnet-ICT) phối hợp thực hiện từ năm 2016 nhằm cung cấp kỹ năng CNTT, mở ra cơ hội học tập, cơ hội hội nhập và phát triển cho cho thanh thiếu niên  ở những vùng có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn.

Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Sơn Hải- Cục trưởng Cục CNTT (Bộ GD&ĐT) chia sẻ: Khu vực miền núi và nông thôn phải đối mặt với rất nhiều thách thức về phát triển và hội nhập. Trước bối cảnh đó, giáo dục CNTT được xem như một trong những chìa khóa quan trọng để giúp người dân thay đổi cuộc sống và không bị bỏ lại phía sau trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Tiếp theo kết quả đạt được ở giai đoạn 1 (năm học 2016-2017), giai đoạn 2 (năm học 2017-2018) đã được triển khai hiệu quả ở 12 địa phương gồm Quảng Ninh, Hòa Bình, Quảng Nam, Đà Nẵng, Kiên Giang, Sóc Trăng, Hải Phòng, Thái Nguyên, Lâm Đồng, Khánh Hòa, TP. Hồ Chí Minh và An Giang. Kết thúc giai đoạn 2, đã có 108.000 học sinh, thanh thiếu niên được tiếp cận chương trình Tin học ứng dụng và khoa học máy tính (gồm 7 chủ đề với 32 mô đun linh hoạt, cập nhật các nội dung mới về công nghệ của quốc tế) thông qua hình thức học ngoại khóa tại 421 trường trên cả nước; khoảng 1.500 giáo viên được bồi dưỡng kiến thức và phương pháp dạy ngoại khóa mới mẻ, truyền cảm hứng sáng tạo cho học sinh. Bên cạnh đó, nhiều hoạt động nâng cao nhận thức đã được tổ chức như giờ lập trình, giao lưu sản phẩm công nghệ, diễn đàn công nghệ, trường học kết nghĩa tạo cơ hội cho các em học sinh chia sẻ kinh nghiệm, trải nghiệm các sản phẩm công nghệ, khơi dậy niềm đam mê hứng thú học tin học. Sản phẩm và kinh nghiệm của dự án có ý nghĩa hỗ trợ đổi mới hoàn thiện và triển khai chương trình môn Tin học theo chương trình phổ thông mới sắp tới.

cntt 58 2642018
Em Hoàng Duy Tiến và Bùi Thanh Tâm giới thiệu về sản phẩm của minh

Tại hội thảo, em Bùi Thanh Tâm, học sinh lớp 9A trường THCS Thượng Cốc (Hòa Bình) chia sẻ: Quan sát thấy các bạn cùng lớp thường gõ bàn phím bằng một tay hoặc một ngón tay nên em đã lập trình trò chơi học tập Luyện gõ bàn phím. Điều em vui hơn cả là nó có thể giúp đỡ những người khác cũng có niềm yêu thích máy tính như em. Em hy vọng có thể áp dụng sản phẩm cho tất cả các lớp trong trường và lan rộng ra các trường khác, giúp các bạn có cơ hội trau dồi kĩ năng, từ đó tiếp xúc với các sản phẩm công nghệ để hội nhập và phát triển. Còn từ Thái Nguyên, em Hoàng Duy Tiên, học sinh lớp 9D, trường THCS Nam Hòa, đã lập trình chương trình “An toàn giao thông” để giúp các bạn cùng lớp tìm hiểu kiến thức về việc sử dụng các phương tiện giao thông an toàn và đúng luật, một cách vui nhộn và dễ tiếp cận hơn những giờ học lý thuyết thông thường. Các em Tâm và Tiên chỉ là hai trong số hàng chục ngàn học sinh đang được tiếp cận và bước đầu ứng dụng khoa học máy tính để nâng cao hiệu quả học tập và giải quyết các vấn đề của cuộc sống tại các vùng miền núi và nông thôn của Việt Nam.

cntt 59 2642018
Ông Phạm Thế Trường – Tổng Giám đốc Microsoft Việt Nam phát biểu tại hội thảo

Từ phía nhà tài trợ, ông Phạm Thế Trường – Tổng Giám Đốc Microsoft Việt Nam chia sẻ: “Microsoft tự hào đồng hành cùng dự án trong suốt thời gian qua. Chúng tôi mong muốn được tiếp tục hỗ trợ các thanh thiếu niên vùng khó, mang lại cơ hội tiếp cận kiến thức CNTT và khoa học máy tính một cách sâu rộng hơn,  đồng thời nhân rộng các sáng kiến về giáo dục CNTT trong khuôn khổ chương trình YouthSpark tại Việt Nam.”
 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *