Theo đó, quy định chuẩn hiệu trưởng cơ sở giáo dục phổ thông bao gồm: chuẩn hiệu trưởng cơ sở giáo dục phổ thông (sau đây gọi là chuẩn hiệu trưởng), hướng dẫn sử dụng chuẩn hiệu trưởng.
Quy định này áp dụng đối với hiệu trưởng trường tiểu học, trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông, trường phổ thông có nhiều cấp học, trường chuyên, trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú (sau đây gọi chung là cơ sở giáo dục phổ thông) và các tổ chức, cá nhân có liên quan.
Việc ban hành quy định chuẩn hiệu trưởng nhằm mục đích làm căn cứ để hiệu trưởng cơ sở giáo dục phổ thông tự đánh giá phẩm chất, năng lực; xây dựng và thực hiện kế hoạch rèn luyện phẩm chất, bồi dưỡng nâng cao năng lực lãnh đạo, quản trị nhà trường đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục.
Ngoài ra, Thông tư 14/2018/TT-BGDĐT làm căn cứ để các cơ quan quản lý nhà nước đánh giá phẩm chất, năng lực của hiệu trưởng cơ sở giáo dục phổ thông; xây dựng và thực hiện chế độ, chính sách phát triển đội ngũ cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông; lựa chọn, sử dụng đội ngũ cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông cốt cán.
Thêm vào đó, quy định này làm căn cứ để các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục xây dựng, phát triển chương trình và tổ chức đào tạo, bồi dưỡng phát triển phẩm chất, năng lực lãnh đạo, quản trị nhà trường cho đội ngũ cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông.
Cuối cùng là làm căn cứ để các phó hiệu trưởng thuộc diện quy hoạch chức danh hiệu trưởng; giáo viên thuộc diện quy hoạch các chức danh hiệu trưởng hoặc phó hiệu trưởng tự đánh giá, xây dựng và thực hiện kế hoạch rèn luyện, học tập phát triển phẩm chất, năng lực lãnh đạo, quản trị nhà trường.
Theo Thông tư 14/2018/TT-BGDĐT, hiệu trưởng cơ sở giáo dục phổ thông phải đáp ứng 5 tiêu chuẩn (tức yêu cầu về phẩm chất, năng lực ở từng lĩnh vực của chuẩn hiệu trưởng) và 18 tiêu chí (tức yêu cầu về phẩm chất, năng lực thành phần của tiêu chuẩn), trong đó tiêu chuẩn 5 là có khả năng sử dụng ngoại ngữ (ưu tiên tiếng Anh) và ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong quản trị nhà trường, với 2 tiêu chí cụ thể về sử dụng ngoại ngữ và ứng dụng CNTT.
Tiêu chuẩn 1: Phẩm chất nghề nghiệp: Có đạo đức nghề nghiệp chuẩn mực và tư tưởng đổi mới trong lãnh đạo, quản trị nhà trường; có năng lực phát triển chuyên môn, nghiệp vụ bản thân.
Tiêu chuẩn 2: Quản trị nhà trường: Lãnh đạo, quản trị các hoạt động trong nhà trường đáp ứng yêu cầu phát triển phẩm chất, năng lực học sinh, phù hợp với phong cách học tập đa dạng, nhu cầu, sở thích và mức độ sẵn sàng học tập của mỗi học sinh.
Tiêu chuẩn 3: Xây dựng môi trường giáo dục: Xây dựng được môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, dân chủ, phòng, chống bạo lực học đường.
Tiêu chuẩn 4: Phát triển mối quan hệ giữa nhà trường, gia đình, xã hội: Tổ chức các hoạt động phát triển mối quan hệ giữa nhà trường, gia đình, xã hội trong dạy học, giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh và huy động, sử dụng nguồn lực để phát triển nhà trường.
Tiêu chuẩn 5: Sử dụng ngoại ngữ và công nghệ thông tin: Có khả năng sử dụng ngoại ngữ (ưu tiên tiếng Anh) và ứng dụng công nghệ thông tin trong quản trị nhà trường.
1. Tiêu chí 17. Sử dụng ngoại ngữ
a) Mức đạt: giao tiếp thông thường bằng ngoại ngữ (ưu tiên tiếng Anh);
b) Mức khá: chỉ đạo xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch phát triển năng lực sử dụng ngoại ngữ (ưu tiên tiếng Anh) cho giáo viên, nhân viên, học sinh trong trường;
c) Mức tốt: sử dụng ngoại ngữ thành thạo (ưu tiên tiếng Anh); tạo lập môi trường phát triển năng lực sử dụng ngoại ngữ (ưu tiên tiếng Anh) cho giáo viên, nhân viên, học sinh trong trường.
2. Tiêu chí 18. Ứng dụng CNTT
a) Mức đạt: sử dụng được một số công cụ CNTT thông dụng trong quản trị nhà trường;
b) Mức khá: sử dụng được các phần mềm hỗ trợ quản trị nhà trường;
c) Mức tốt: tạo lập được môi trường ứng dụng CNTT trong hoạt động dạy, học và quản trị nhà trường
Thông tư 14: http://moet.gov.vn/van-ban/vanban/Pages/chi-tiet-van-ban.aspx?ItemID=1287