Ông Đặng Hoàng Hải, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) nhìn nhận, mặc dù KTS ở Việt Nam có nhiều tiềm năng, nhưng ngay trong lĩnh vực thương mại điện tử, mua sắm trực tuyến hiện nay vẫn còn tồn tại nhiều trở ngại cho phát triển.
Đặc biệt, vẫn còn tới hơn một nửa số doanh nghiệp trong nước chưa áp dụng công nghệ số. Cùng với đó, các hình thức giao dịch, thanh toán dùng tiền mặt, trả tiền khi nhận hàng được áp dụng phổ biến vẫn đang là trở ngại lớn làm tăng chí phí cho cả xã hội, doanh nghiệp và người tiêu dùng.
Mặc dù thời gian qua, Đảng, Nhà nước đã có định hướng về kinh tế số (KTS), tuy nhiên các định hướng này còn đang rời rạc trên các văn bản khác nhau và chưa có định hướng, chiến lược chung quốc gia.
Chính vì vậy, việc xây dựng, phát triển nền KTS và công nghiệp thông minh nhằm tái cấu trúc nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh là một nhiệm vụ cấp thiết. Từ đó kết nối các định hướng lại thành bức tranh tổng thể cho phát triển KTS Việt Nam và tiếp tục hoàn thiện nó, tạo sự kết nối để tạo nên sức mạnh cộng hưởng.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng cho biết, để bắt kịp xu hướng phát triển công nghiệp, thương mại, ngành Công Thương đang cải tiến mô hình sản xuất kinh doanh theo hướng tối ưu hóa nguồn lực đầu vào, đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển bền vững.
“Kinh tế số được dự đoán sẽ mang lại những ảnh hưởng và thay đổi to lớn trong chuỗi cung ứng toàn cầu và vận hành cung - cầu của thế giới. Cùng với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, kinh tế số đang tạo ra những xu hướng mới và nhu cầu mới. Việt Nam cần tận dụng, khai thác tối đa lợi ích và chuẩn bị tốt nhất đối với những thay đổi cần thiết để xây dựng kinh tế số trong thời gian tới”, ông Hưng nói.
Theo ông Đặng Hoàng Hải, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và kinh tế số (Bộ Công Thương), phát triển KTS không chỉ là vấn đề của riêng Việt Nam. KTS là lĩnh vực đặc biệt, nó diễn ra quá nhanh và tác động quá lớn nên rất nhiều nước bắt tay vào xây dựng định hướng và chiến lược phát triển KTS chung cho mỗi quốc gia, dù trước đây họ chưa có ý tưởng phát triển KTS.
“Nhu cầu phát triển của xã hội, của thị trường và nền kinh tế đang buộc chúng ta cần thiết phải nhanh chóng có định hướng, chiến lược cho phát triển KTS của Việt Nam”, ông Hải lưu ý.
Tuy nhiên, theo ông Hải, khi xây dựng đề án phát triển KTS định hướng chiến lược chung quốc gia, Cục Thương mại điện tử và kinh tế số khá khó khăn khi tìm cách tiếp cận. Bởi rất nhiều nội dung đã được thảo luận như các nhóm về pháp lý, công nghệ, hạ tầng… nhưng nếu nhóm chung lại sẽ không giải quyết được, vì mỗi nhóm vấn đề sẽ liên quan đến nhiều bộ, ngành và doanh nghiệp khác nhau.
Vì vậy theo ông Hải, trước mắt cách tiếp cận là sẽ đưa ra các nhóm vấn đề trực diện nhất để phối hợp triển khai. Bao gồm nhóm hạ tầng cơ sở và thể chế, nhóm công nghệ, nhóm thanh toán… trong đó nhóm thanh toán là vấn đề rất lớn, đau đầu nhất vì nó đang kìm hãm phát triển KTS không chỉ của riêng Việt Nam.
Là người có kinh nghiệm xây dựng nền KTS được Diễn đàn Kinh tế Thế gới (WEF) đã tham khảo tại Đan Mạch, bà Kelly Ommundsen, Trưởng nhóm cộng đồng, Sáng kiến Kinh tế số và Hệ thống xã hội WEF khuyến cáo, việc đầu tư về chuyển đổi số ở Việt Nam không chỉ là doanh nghiệp mà cần dành cho toàn xã hội.
“Việc phát triển kinh tế số không chỉ dừng lại ở từng cá nhân, mỗi quốc gia mà cần đánh giá trên tổng thể vai trò của cả khu vực. Đối với Việt Nam, cần đánh giá tổng thể xu hướng phát triển của kinh tế số của ASEAN từ đó đặt Việt Nam trong bối cảnh chung, từ đó mới xây dựng được chiến lược phát triển kinh tế số hiệu quả”, bà Kelly Ommundsen khuyến cáo./.
Tác giả bài viết: Nguyễn Quỳnh/VOV.vn
Nguồn tin: vov.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Trung tâm Giải pháp công nghệ thông tin giáo dục (EITSC) được thành lập theo Quyết định số 3128/QĐ-BGDĐT ngày 29/8/2017 của Bộ trưởng Bộ GDĐT. Trung tâm là đơn vị sự nghiệp công trực thuộc Cục CNTT, Bộ GDĐT tự đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư, có tư cách pháp nhân, có con dấu...