Trường học thay đổi để thích ứng trong thời đại số

Thứ hai - 27/04/2020 01:17
Thời gian qua, giáo dục trực tuyến trở thành hình thức học tập được nhắc tới nhiều nhất. Chỉ trong thời gian ngắn, các bài giảng trực tuyến đã và đang tạo ra những thay đổi lớn đến việc dạy-học của giáo viên và học sinh. Điều này cũng đem đến những cơ hội lớn cho ngành giáo dục với những bước chuyển tích cực để xây dựng môi trường học tập hiện đại, đáp ứng cuộc Cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0.
Trường học thay đổi để thích ứng trong thời đại số
Phóng viên (PV) Báo Quân đội nhân dân có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Sơn Hải, Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (CNTT), Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) về vấn đề này.

PV: Ông nhận xét như thế nào về việc tận dụng ưu thế của CNTT trong việc dạy và học hiện nay?
Ông Nguyễn Sơn Hải: Những năm qua, Bộ GD&ĐT luôn quan tâm, đề cao vai trò và đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong các hoạt động giáo dục. Đây cũng là một trong 9 nhóm nhiệm vụ trọng tâm của ngành để thúc đẩy phát triển GD&ĐT. Bên cạnh việc thực hiện đề án “Tăng cường ứng dụng CNTT trong quản lý và hỗ trợ các hoạt động dạy học, nghiên cứu khoa học góp phần nâng cao chất lượng GD&ĐT giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2025” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, hằng năm Bộ GD&ĐT đều có những văn bản chỉ đạo, hướng dẫn việc triển khai ứng dụng CNTT trong các cơ sở GD&ĐT.
Nhắc tới ưu thế của CNTT, tôi muốn dẫn chứng từ kho bài giảng e-Learning mà Bộ GD&ĐT xây dựng được trong 10 năm qua. Tôi nhớ vào năm 2010, khi bộ bắt đầu phổ biến, tập huấn cho giáo viên dạy học trên nền tảng e-Learning, không ít giáo viên bày tỏ hoài nghi về tính khả thi của hình thức giáo dục này. Nhưng sau 7 năm, từ năm 2010 đến 2017, Bộ GD&ĐT phát động và triển khai Cuộc thi quốc gia Thiết kế bài giảng e-Learning, tỷ lệ không nhỏ giáo viên đã hiểu và có thể soạn được bài giảng e-Learning. Việc số hóa bài giảng mang lại cho giáo viên cơ hội trau dồi, nâng cao kỹ năng ứng dụng CNTT trong dạy học. Đặc biệt, kho bài giảng e-Learning xây dựng từ cuộc thi đã góp phần mở rộng không gian học tập cho người học ngoài lớp học truyền thống, nhất là trong thời gian qua, khi mà các trường học thực hiện việc giãn cách xã hội theo chủ trương của Thủ tướng Chính phủ để phòng, chống dịch Covid-19.

Thực tế cho thấy, khi học sinh không đến trường thì giải pháp dạy học trực tuyến là tối ưu để có thể duy trì việc học tập cho học sinh. Đặc biệt, trong bối cảnh cuộc CMCN 4.0 đang tác động mạnh mẽ ở mọi lĩnh vực, trong đó có GD&ĐT thì giáo dục trực tuyến là xu thế tất yếu trong giáo dục hiện đại.

PV: Vậy việc dạy học truyền thống tới đây sẽ thay đổi như thế nào để thích ứng với cuộc CMCN 4.0, thưa ông?

Ông Nguyễn Sơn Hải: Trong giai đoạn học sinh phải nghỉ học kéo dài để phòng, chống dịch Covid-19, dạy học trực tuyến đã thể hiện những ưu điểm vượt trội. Trên nền tảng công nghệ, nhiều trường đã tổ chức các lớp học trực tuyến với chất lượng và hiệu quả rất cao, từ việc dạy bài mới, giao nhiệm vụ học tập, quản lý lớp học đến kiểm tra, đánh giá kết quả học tập. Mô hình “lớp học ảo” đã mang lại thuận tiện cho người học, đáp ứng nhu cầu học ở bất kỳ đâu, bất kỳ lúc nào khi công nghệ truyền thông được kết nối. Rất nhiều giáo viên, học sinh đã kịp chuyển đổi từ mô hình dạy học truyền thống sang dạy và học trực tuyến.

Đây cũng là cơ hội để ngành giáo dục đẩy nhanh tốc độ chuyển đổi số trong các hoạt động dạy và học, nghĩa là chuyển đổi từ một mô hình dạy học truyền thống thuần túy sang mô hình dạy học trên nền tảng số. Phải khẳng định, trong giáo dục phổ thông, dạy học trực tuyến không thể thay thế được phương pháp dạy học truyền thống. Tuy nhiên, với những gì ngành giáo dục đã và đang làm được trong thời điểm dịch Covid-19, dạy học trực tuyến sẽ tiếp tục được đẩy mạnh, duy trì triển khai lồng ghép với dạy học truyền thống theo mô hình dạy học kết hợp (blended learning), thích ứng với nền tảng công nghệ của CMCN 4.0.

PV: Bộ GD&ĐT đã đề ra những giải pháp nào để đẩy nhanh tốc độ chuyển đổi số trong hoạt động giáo dục thời gian tới?
Ông Nguyễn Sơn Hải: Hiện nay, ngành giáo dục đã và đang có những bước chuyển mạnh mẽ trên cơ sở ứng dụng các công nghệ mới của cuộc CMCN 4.0. Cụ thể là ngành đã xây dựng được cơ sở dữ liệu của ngành (big data) nhằm đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong các hoạt động quản lý giáo dục. Cơ sở dữ liệu này đã số hóa thông tin của gần 53.000 trường học từ mầm non đến THPT, với gần 25 triệu học sinh và 1,5 triệu cán bộ, giáo viên, nhân viên trong ngành. Tất cả những đối tượng trong phạm vi quản lý của ngành đều được số hóa bằng mã định danh. Đây là nền tảng dữ liệu số hóa quan trọng để ngành giáo dục triển khai đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp Chính phủ điện tử, hướng đến vận hành theo mô hình Chính phủ số đến năm 2025.
Trong thời gian phòng, chống dịch Covid-19 vừa qua, ngành giáo dục đã tìm cơ hội trong khó khăn để nhà trường, giáo viên và học sinh kịp thời, thích nghi chuyển đổi số trong các hoạt động dạy học và kiểm tra đánh giá thông qua hình thức trực tuyến. Đồng thời, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo các đơn vị tập trung xây dựng và nhanh chóng ban hành các quy định về mô hình dạy học trực tuyến trong trường phổ thông, kèm theo các hướng dẫn về quy trình tổ chức dạy học trực tuyến, khung quy chế quản lý tổ chức dạy học trực tuyến... tạo hành lang pháp lý, hướng dẫn cụ thể để các địa phương, nhà trường tổ chức triển khai phương thức dạy học trực tuyến đi vào thực chất hơn, hiệu quả hơn.

PV: Ông đánh giá như thế nào về vai trò của đội ngũ giáo viên trong quá trình chuyển đổi số?
Ông Nguyễn Sơn Hải: Nguồn nhân lực triển khai chuyển đổi số có vai trò đặc biệt quan trọng. Tới đây, môn Tin học sẽ được đưa vào học bắt buộc đối với học sinh từ lớp 3. Một trong 3 mạch nội dung chính của môn Tin học là khoa học máy tính với nhiều công nghệ mới của CMCN 4.0 được phổ biến tới học sinh. Việc lồng ghép đưa vào dạy học các kiến thức, kỹ năng về chuyển đổi số trong nhà trường cũng được Bộ GD&ĐT chỉ đạo thực hiện với mục tiêu hình thành một nguồn nhân lực có kỹ năng số, hướng đến xây dựng một thế hệ “công dân số” cho đất nước.

Đội ngũ giáo viên cũng phải thay đổi để có thể thích ứng, làm việc trong môi trường số. Công nghệ số sẽ được áp dụng vào mọi hoạt động liên quan tới nghiệp vụ của nhà giáo, như: Sổ liên lạc điện tử, sổ điểm điện tử, học bạ điện tử, giáo án điện tử, bài giảng điện tử, sách điện tử, lớp học ảo… Do vậy, đội ngũ giáo viên phải đi tiên phong trong chuyển đổi số, thường xuyên trau dồi, bồi dưỡng nghiệp vụ, các kỹ năng ứng dụng công nghệ 4.0 và các công nghệ khác để hoàn thành tốt nhiệm vụ, chức trách của mình với tinh thần: Làm chủ được công nghệ, sử dụng công nghệ hiệu quả và không bị lạm dụng công nghệ.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

Nguồn tin: e-ict.gov.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Trung tâm Giải pháp công nghệ thông tin giáo dục

Trung tâm Giải pháp công nghệ thông tin giáo dục (EITSC) được thành lập theo Quyết định số 3128/QĐ-BGDĐT ngày 29/8/2017 của Bộ trưởng Bộ GDĐT. Trung tâm là đơn vị sự nghiệp công trực thuộc Cục CNTT, Bộ GDĐT tự đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư, có tư cách pháp nhân, có con dấu...

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây