Chỉ đạo quyết liệt phòng chống dịch
Thay mặt Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 của Bộ GDĐT, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Thể chất Nguyễn Thanh Đề báo cáo tóm tắt công tác chỉ đạo và kết quả thực hiện phòng chống dịch của ngành giáo dục đào tạo. Theo đó, thực hiện Chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GDĐT đã phối hợp với Bộ Y tế ban hành kịp thời trên 40 văn bản, từ hướng dẫn thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh, đến việc điều chỉnh chương trình, hướng dẫn dạy học cho phù hợp với tình hình thực tiễn dịch bệnh.
Để bảo đảm chương trình giáo dục trước tình hình diễn biến dịch phức tạp của dịch Covid-19, hỗ trợ học sinh, giáo viên có đủ quỹ thời gian học tập, ôn tập, Bộ GDĐT đã 2 lần điều chỉnh khung kế hoạch thời gian năm học 2019-2020. Bộ đồng thời chỉ đạo các các cơ sở giáo dục duy trì liên lạc giữa nhà trường với gia đình, giữa giáo viên với học sinh để giao nhiệm vụ và hướng dẫn học sinh tự học qua các hình thức ứng dụng công nghệ thông tin phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương, nhà trường.
“Có thể nói Bộ GDĐT đã bám sát các chỉ đạo của cấp trên, phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế để chỉ đạo quyết liệt công tác phòng, chống dịch bệnh trong các cơ sở giáo dục, hướng dẫn kịp thời các địa phương việc triển khai thực hiện kế hoạch năm học 2019-2020. Bộ đồng thời có những phương án xử lý nhanh chóng đối với các tình huống xảy ra trong ngành giáo dục, nhằm đảm bảo an toàn cho học sinh, cán bộ, giáo viên”, Vụ trưởng Nguyễn Thanh Đề nói.
Những chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ GDĐT đã được ngành giáo dục các địa phương tích cực triển khai và thực hiện hiệu quả. 100% cơ sở giáo dục trong cả nước đã vệ sinh khử trùng trường, lớp học, trang thiết bị và đồ dụng học tập; áp dụng các điều kiện đảm bảo an toàn khi đón học sinh trở lại trường. Căn cứ vào tình hình thực tế dịch bệnh, các địa phương đã chủ động cho học sinh nghỉ học và đi học trở lại.
13 tỉnh, thành phố đã thực hiện dạy học trên truyền hình với các khung giờ phát sóng thuận lợi để học sinh theo dõi và phụ huynh cùng tham gia. Nhiều địa phương, nhà trường đã dạy học qua internet hoặc sử dụng các phần mềm dạy và học trực tuyến để giảng dạy, củng cố kiến thức cho học sinh.
Để tiếp tục thực hiện tốt công tác phòng chống dịch Covid-19, Bộ GDĐT sẽ tiếp tục ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các biện pháp bảo đảm an toàn trong trường học. Bộ cũng đề nghị UBND các tỉnh/thành phố xem xét tình diễn biễn của dịch bệnh để quyết định cho học sinh nghỉ học và đi học trở lại, đảm bảo an toàn; áp dụng hiệu quả các hình thức dạy học và học trực tuyến, qua truyền hình.
Bộ GDĐT đang rà soát để tinh giản nội dung dạy học thuộc chương trình học kỳ 2 để rút ngắn thời gian học khi học sinh trở lại trường; xây dựng hướng dẫn dạy học qua internet, trên truyền hình và sớm đề tham khảo thi THPT quốc gia.
Tinh giản những nội dung vượt chuẩn, tăng cường học trực tuyến
Thông tin chi tiết việc tinh giản nội dung chương trình giáo dục phổ thông, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học Nguyễn Xuân Thành cho biết Bộ GDĐT đã thành lập các tiểu ban rà soát, tinh giản chương trình. Thành viên các tiểu ban này là chuyên gia giáo dục, tác giả sách giáo khoa, giáo viên phổ thông của từng môn học/cấp học. Việc rà soát, tinh giản đang được tích cực thực hiện trên tinh thần giảm những kiến thức nâng cao, đảm bảo cung cấp đầy đủ kiến thức cốt lõi của chương trình.
“Các tiểu ban cũng hướng đến việc tích hợp các bài học trong sách giáo khoa theo chủ đề, vừa tiết kiệm thời gian học, vừa thuận lợi cho thiết kế các bài học qua internet và truyền hình. Ngoài ra, những phần kiến thức hiện đang trùng lặp giữa các môn học sẽ được lược bớt”, ông Thành nói.
Căn cứ hướng dẫn tinh giản nội dung chương trình của Bộ, Sở GDĐT, các nhà trường sẽ xây dựng kế hoạch thực hiện, nhằm đáp ứng yêu cầu của chương trình và đảm bảo hoàn thành chương trình trong khung thời gian đã quy định.
Để việc học tập của học sinh không bị gián đoạn trong thời gian tạm nghỉ học vì Covid-19, Bộ GDĐT đã chỉ đạo địa phương tăng cường dạy học qua internet, trên truyền hình. Bộ đồng thời xây dựng hướng dẫn dạy học theo hai hình thức này, để đảm bảo chất lượng và thống nhất trong cả nước.
Hướng dẫn này quy định cụ thể các yêu cầu về hạ tầng kỹ thuật, học liệu/bài giảng, yêu cầu đối với giáo viên và học sinh tham gia dạy - học, cách tổ chức thực hiện và đánh giá kết quả học tập của học sinh. Trong đó, việc đánh giá thường xuyên trong quá trình dạy học qua internet, trên truyền hình được thực hiện bằng nhiều hình thức. Công việc này cần đảm bảo công bằng, khách quan, trung thực, vì quyền lợi cho chọ sinh. Kết quả được công nhận theo quy định hiện hành.
Việc đánh giá định kỳ và cuối kỳ phải thực hiện tại trường khi học sinh đi học trở lại. Trước đó các nhà trường cần tổ chức ôn tập, củng cố, bổ sung kiến thức đã giảng dạy qua internet, trên truyền hình cho học sinh, ngay khi các em quay trở lại trường.
Góp ý với Bộ GDĐT, các Sở GDĐT đều thống nhất cần thiết phải tinh giản nội dung chương trình và quan điểm thực hiện tinh giản mà Bộ đang triển khai. Sở GDĐT đồng thời nhất trí việc sử dụng các phương thức dạy học khác như dạy học qua internet, trên truyền hình, để đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh, kịp tiến độ hoàn thành chương trình giáo dục. Tuy nhiên, theo ông Trịnh Thế Truyền, Giám đốc Sở GDĐT Phú Thọ, việc dạy học trên truyền hình cần có sự thống nhất về nội dung trên cả nước để đảm bảo chất lượng, tránh tình trạng “mạnh ai nấy làm”.
Ông Nguyễn Văn Hiếu Phó, Giám đốc Sở GDĐT TP Hồ Chí Minh thì kiến nghị có thông tư quy định cụ thể việc dạy học qua internet, trên truyền hình cho cấp học phổ thông. Các quy định của Bộ cần bao quát được cả nhóm học sinh bị khó khăn trong học tập trực tuyến.
“Hiện tại thành phố Hồ Chí Minh, 100% trường thực hiện dạy học trên internet, trên truyền hình, nhưng số lượng học sinh tham gia còn chưa cao, khoảng 70-80%, riêng vùng khó khăn chỉ khoảng 60% học sinh tham gia. Do đó, tôi hoàn toàn nhất trí quan điểm của Bộ là phải bố trí thời gian ôn tập, bổ trợ kiến thức đã dạy qua internet, trên truyền hình cho học sinh khi các em quay trở lại trường”, ông Hiếu nói.
Lãnh đạo một số Sở GDĐT kiến nghị cần có những chính sách hỗ trợ giáo viên tham gia giảng dạy qua internet, trên truyền hình trong giai đoạn này; hỗ trợ cho các cơ sở giáo dục tư thục để duy trì được hoạt động.
Đảm bảo quyền lợi và nhu cầu học tập của học sinh
Phát biểu kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ nhấn mạnh, toàn ngành Giáo dục cần tiếp tục nêu cao tinh thần trách nhiệm phòng chống dịch Covid-19 khi dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp cả trong nước và quốc tế. Các cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường, học sinh, sinh viên cần tham gia khai báo y tế đầy đủ để góp phần kiểm soát dịch bệnh, đảm bảo an toàn cho bản thân và cộng đồng.
Ngành giáo dục các địa phương cần xây dựng kế hoạch tổng thể, có các kịch bản về phòng chống dịch; chuẩn bị đầy đủ điều kiện cơ sở vật chất, hạ tầng, đội ngũ y tế, tăng cường phun thuốc khử khuẩn trường lớp, tẩy trùng trang thiết bị dạy học. Tinh thần là cố gắng tối đa không để dịch bệnh lây lan trong trường học.
“Trong giai đoạn học sinh không thể đến trường vì dịch Covid-19, các nhà trường, giáo viên vẫn có trách nhiệm tổ chức dạy học bằng nhiều hình thức khác nhau cho học sinh. Điều này nhằm đảm bảo quyền lợi và nhu cầu được học tập của các em, đảm bảo việc hoàn thành chương trình GDPT, đáp ứng chuẩn đầu ra của chương trình. Trong các hình thức dạy học khác này, dạy học trên internet, truyền hình, là giải pháp tình thế cần áp dụng rộng rãi”, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ nói.
Thứ trưởng cho biết, Bộ GDĐT đang phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông để có những giải pháp tháo gỡ khó khăn, tăng cường hỗ trợ kỹ thuật, dịch vụ, giúp việc tổ chức dạy học qua internet, trên truyền hình của các nhà trường, giáo viên, học sinh được thuận lợi. Ví dụ như phối hợp với các đài truyền hình để tăng số lượng kênh phát sóng, tăng thời lượng pháp sóng các chương trình dạy học. Các bài giảng ngoài phát sóng trên truyền hình sẽ được đăng tải trên các nền tảng số khác, để đảm bảo học sinh có thể học lại và lĩnh hội được đầy đủ được kiến thức.
Đối với việc dạy học trên truyền hình, Bộ GDĐT yêu cầu các nhà trường thực hiện kết hợp với hỗ trợ trực tiếp học sinh để kiểm soát được việc học tập của các em cũng như đánh giá khả năng tiếp thu của người học. Theo đó, giáo viên thông báo lịch phát sóng cho học sinh, phối hợp với gia đình tổ chức cho các em học tập. Các thầy cô cần xây dựng kế hoạch tổ chức, hướng dẫn học sinh học theo bài, biên soạn các bài tập, giao nhiệm vụ cho học sinh thực hiện sau giờ học trên truyền hình.
Khi học sinh đi học trở lại, tất cả các nhà trường phải dành thời lượng thích đáng để bổ trợ kiến thức đã dạy trên truyền hình cho các em, nhằm đảm bảo mọi học sinh đều lĩnh hội được đầy đủ nội dung cốt lõi theo yêu cầu chuẩn đầu ra của chương trình. Bộ GDĐT đánh giá cao việc các Sở GDĐT đã thống nhất và tích cực cùng nhau xây dựng hệ thống bài giảng cho các môn học của các khối lớp.
“Trong tuần này, Bộ GDĐT sẽ ban hành hướng dẫn dạy học qua internet, trên truyền hình cho học sinh. Đối với tinh giản chương trình, Bộ GDĐT đặt cố gắng giảm từ 5-7 tuần so với chương trình hiện nay. Tuy nhiên, việc tinh giản không thực hiện cơ học và phải đảm bảo cung cấp đầy đủ kiến thức nền tảng, cốt lõi của chương trình cho học sinh, đáp ứng yêu cầu chuẩn đầu ra của chương trình. Đề thi THPT quốc gia sẽ dựa trên chương trình giảm tải. Bộ GDĐT đang xây dựng đề thi tham khảo để học sinh, giáo viên thuận lợi trong ôn tập, chuẩn bị cho kỳ thi sẽ diễn ra vào tháng 8 tới đây”, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ nói.
Nguồn tin: moet.gov.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Trung tâm Giải pháp công nghệ thông tin giáo dục (EITSC) được thành lập theo Quyết định số 3128/QĐ-BGDĐT ngày 29/8/2017 của Bộ trưởng Bộ GDĐT. Trung tâm là đơn vị sự nghiệp công trực thuộc Cục CNTT, Bộ GDĐT tự đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư, có tư cách pháp nhân, có con dấu...